Thưa các bạn, trong mỗi chúng ta, chắc hẳn ai cũng từng lo lắng, hoặc được chứng kiến sự lo lắng của người khác rất nhiều lần. Ví dụ: lo cho kỳ thi sắp tới, lo cho chuyến công tác ngày mai, lo cho buổi đàm phán tuần sau, lo cho tương lai của con cháu, lo cho bản thân khi trưởng thành, khi về già … có quá nhiều nỗi lo hiện diện liên tục trong mọi khoảnh khắc khiến tâm trí chúng ta luôn bị kéo theo dòng chẩy đó làm cho cơ thể bị kiệt sức bởi tâm trí chúng ta liên tục phải đưa ra những giải pháp cho những tình huống do chính chúng ta tưởng tượng ra.
Vậy, lo lắng là gì? tại sao chúng ta lại lo lắng? Làm thế nào để sống bớt lo lắng?
Lo lắng là gì? Xin thưa: lo lắng là một trạng thái cảm xúc, tâm lý, nhận thức của mỗi chúng ta. Nhìn theo góc độ cảm xúc, Giống như chúng ta thường hay chia sẻ: Tôi thấy thoải mái, tôi thấy sợ, tôi thấy thú vị. Thì lo lắng cũng vậy: Tôi cảm thấy lo lắng về việc này, việc nọ.
Hiểu theo cách khác: Lo lắng là việc tập trung trí lực vào 1 việc gì đó có thể xẩy ra trong tương lai. Có nhiều trạng thái và cấp độ, ví dụ như: lo âu, lo sợ.
Lo lắng là 1 trạng thái hoàn toàn bình thường và cần thiết trong cuộc sống để chúng ta có sự chuẩn bị tốt hơn cho việc của mình. Tuy nhiên, việc lo lắng quá mức sẽ khiến cho chúng ta kiệt quệ tinh lực, liên tục bị kéo đến tương lai. Mà đôi khi tương lai là thứ gì đó rất mơ hồ, chả ai có thể biết chắc chắn được tương lai cả. Khiến cho chúng ta đánh mất hiện tại, mất tập trung vào hiện tại. Biểu hiện của người hay lo lắng là hay đam chiêu, cắn môi, suy tính …Có 1 câu rất hay tôi sưu tầm được nói về lo lắng, đó là: “Lo lắng chính là điều vô bổ nhất trên đời. Nó giống như việc bạn cầm một chiếc ô và chạy vòng vòng đợi trời mưa xuống”
Lo lắng quá mức, quá nhiều sẽ dẫn đến những chứng bệnh tâm lý như: rối loạn lo âu, stress, căng thẳng kéo dài, trầm cảm … ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân chúng ta.
Cũng bởi vì lo lắng là tập trung vào những vấn đề có thể xẩy ra, nên những người lo lắng quá nhiều sẽ không tập trung vào những gì đang diễn ra xung quanh mình. Và rồi gây ra những tiếc nuối cho quá khứ, rồi lại tiếp tục lo lắng về tương lai, lặp lại như vô tận, khổ não vô cùng. Khi lo lắng tâm trí của ta sẽ tưởng tượng ra hàng cơ số vấn đề, nhân lên như 1 cái rễ cây không bao giờ có điểm dừng, rồi tiếp tục tâm trí đi tìm giải pháp để giải quyết các vấn đề do ta tưởng tượng mà ra, đến bao giờ mới dứt.
Có thời gian tôi cũng bị trầm cảm do căng thẳng kéo dài khi tôi bị phá sản, những tháng ngày đó thực sự là quãng thời gian đen tối nhất cho đến bây giờ trong cuộc đời của tôi. Tôi lo lắng và sợ hãi cho quá nhiều tình huống, do tâm trí tưởng tượng mà ra, sau đó chìm đắm trong biển rễ cây đó, rối như tơ vò. Tôi nhận ra rằng: rất nhiều nỗi lo sợ trong đó đến từ những việc làm dối trá, vi phạm pháp luật, hại người khác của bản thân tôi trong quá khứ, trong đó có cả những việc tôi không nhận thức được và cả những việc mình hoàn toàn nhận thức được, nhưng vì tham lam: tôi vẫn làm. Ngày đó, tôi chọn cách tu học, đi theo Phật học để tự giải thoát cho bản thân mình.
Để bớt lo lắng, thưa anh chị. Chúng ta buộc phải có hiểu biết, hiểu biết ở đây là về pháp luật, về sinh mệnh con người, về luân thường đạo lý, về quy luật của vũ trụ, nhận thức rõ ràng về những việc ta làm, thế nào là đúng, thế nào là sai? Và khi có ngọn đuốc của trí tuệ thắp sáng trong tâm hồn, chúng ta sẽ biết cách thoát khỏi khu rừng u ám của tâm trí mà thôi.
Lo đủ để lên 1 kế hoạch cho bản thân mình trong mỗi dự án, mỗi sự việc, đề cao đạo đức và chấp nhận rủi ro. Sau đó chuyển thể từ lo lắng sang hành động, nếu thay đổi kế hoạch, ta lại bám theo để căn chỉnh. Đó là cách tốt nhất để đưa bản thân về với thực tại. Chỉ có thông qua hành động, lao động, mới khởi sinh được trí tuệ. Trí tuệ khác với kiến thức, kiến thức chúng ta có thể học được, tuy nhiên trí tuệ là kẻ biết vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề tốn ít nguồn lực nhất. Đừng nhầm lẫn giữa 2 khái niệm này, kiến thức thì không của riêng ai cả, tuy nhiên trí tuệ là của riêng mình. Đó là điểm khác biệt.
Vậy, thực tập hàng ngày để tự quan sát cơ thể mình, biết chính xác cơ thể mình đang ở trạng thái nào: lo lắng, sợ hãi, thoải mái, vui vẻ, bình thản, an lạc … trước là để giữ cho bản thân, truyền năng lượng, cảm hứng tích cực cho người xung quanh, sau là để chúng ta khởi sinh trí tuệ, sống một cuộc sống an lạc. Việc thực tập này hiểu đơn giản là: Dành thời gian cho bản thân, có rất nhiều phương pháp để ta có thể tham khảo, không có phương pháp nào là tốt nhất, chỉ có phương pháp phù hợp với bản thân mình nhất mà thôi, bạn có thể ngồi quán cafe để suy nghĩ, hoặc trong lúc dừng đèn đỏ, cũng như thư giãn trong khi đang massage, hoặc ngồi thiền, hành thiền, cách nào cũng được. Miễn là thời gian đó, bạn chỉ dành để quan sát trạng thái của bản thân mình chính xác là gì? Vậy thôi, không phán xét, cũng không đánh giá, chỉ ghi nhận.
Ví dụ: Bạn đang tán 1 em gái nào đó và chốt hẹn được 1 buổi đi chơi, trên đường đi đón nàng. Dừng đèn đỏ, thay vì bạn dành 30s để quan sát những thứ vô nghĩa như: em này mặc áo Ka ni pha, anh kia đi giầy Thượng Đình mới. Bạn có thể dành 20 – 30s để quan sát bản thân: à, mình đang cảm thấy hưng phấn, hào hứng. Ghi nhận trạng thái đó, vậy thôi.
Hoặc 1 ông nào trót vừa nói gì hoặc làm gì gây tổn hại cho người khác, lúc đứng ở hành lang chờ sếp ký, thay vì nghĩ lan man, chúng ta dành thời gian chờ đó để quan sát bản thân mình: à, mình đang thấy có lỗi. Ghi nhận trạng thái đó, vậy thôi. Sau đó có thể chuyển từ lo lắng này sang giải pháp và hành động: ví dụ tìm cách xin lỗi người đó chả hạn.
Tâm trí chúng ta quá mải mê theo đuổi những ham muốn, danh vọng, lo lắng cho tương lai mà quên đi mất 1 điều là chân lý đó là: Hiện tại là thứ duy nhất chúng ta có, thực tế thì chúng ta không có gì khác ngoài phút giây hiện tại này, chỉ giây phút này thôi, luôn luôn là như vậy. Đừng bỏ lỡ nó nhé.
Kiên trì tập luyện hàng ngày như vậy, vô cùng đơn giản, không tốn quá nhiều thời gian, cũng chả tốn kém về kinh tế, mỗi ngày chỉ cần 10s, 20s, 1 phút, 30 phút … tùy người, miễn sao ta thấy thoải mái là được, ngày qua ngày, dần dần bạn sẽ hình thành 1 thói quen và tin vui là: mọi thứ sẽ diễn ra tự nhiên. Mục đích chính là: quan sát trạng thái của cơ thể bản thân. Đừng nghĩ gì to lớn quá, đừng nghĩ đao to búa lớn gì ghê gớm.
Mỗi người đều có 24 tiếng mỗi ngày, tức là 86.400 giây. Việc bạn sử dụng thời gian này như thế nào là đặc quyền của riêng bạn. Có bao giờ bạn nghĩ mình đã dành quá nhiều thời gian cho những việc vô nghĩa chưa? Ví dụ: Dành thời gian để làm hài lòng tất cả mọi người, dành thời gian để quan sát những thứ không có giá trị. Giờ là lúc dành thời gian cho bản thân mình rồi đó.
Ở đây tôi xin nhắc anh chị là: Dành thời gian để quan sát bản thân mình nhé, chứ không phải dành thời gian để hưởng thụ: ăn chơi, giải trí rồi tự huyễn hoặc, đánh tráo khái niệm là dành thời gian cho mình đâu nhé. Hãy nghiêm túc.
Cảm ơn các bạn đã đọc hết bài viết này, Nếu bạn thấy những chia sẻ của chúng tôi thú vị, hãy ấn like để làm động lực, cho chúng tôi tiếp tục sản xuất những bản thu âm tiếp theo. Nếu thấy có ích, hãy đăng ký và follow kênh để nhận được thông báo khi có bài mới. Nếu bạn thấy có giá trị, hãy ấn nút share lên các trang mạng xã hội của bạn để những người xung quanh bạn cùng đọc và bàn luận. Nếu cần giúp đỡ chuyên sâu về cảm xúc bản thân, bạn để lại lời nhắn. Trực tiếp Ông Hoàng Sỹ Nguyên sẽ giúp đỡ bạn. Hiện nay, chúng ta đang phải đối mặt với dịch bệnh Covid, rất mong các bạn tuân thủ các quy định Pháp luật về giãn cách xã hội, về thông điệp 5 K của Bộ y tế để bảo vệ bản thân và cộng đồng. Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết tiếp theo. Chúc bạn và những người thân yêu xung quanh luôn an lạc, bình an và hạnh phúc.